Tuyệt Chiêu Dư Chí Hãi



Tuyệt Chiêu Dư Chí Hãi

. Đinh Tấn Lực

Dư Chí Hãi là tên gọi trong vòng thân mật của ký giả chuyên nghiệp Dư Văn Cường, tức đồng chí Nhà Báo Nhân Dân kỳ cựu chuyên trách mục Bình Luận/Phê Phán Dương Văn Cừ. Tuy nhiên, đừng ai vội nhầm với đồng chí Cừ A25, hoặc đồng chí Cừ có vợ là Trung Thu làm bên VOV. Nhất định thế nhé!
Nhà báo Nhân Dân Dương Văn Cừ tất nhiên là có chân trong LCH Nhà Báo Nhân Dân (một LCH trực thuộc Trung Ương của Hội Nhà Báo Việt Nam), thường xuyên sinh hoạt tư tưởng/chính trị trực tiếp dưới quyền điều động/giám sát của các đồng chí Chủ tịch Tô Vương, các đồng chí Phó chủ tịch Lê Quốc Khánh và Phạm Song Hà.
Nhân dịp 2 tháng 9, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Xuân Thủy, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà Báo Việt Nam, cũng là ngày giỗ thứ 43 của đồng chí Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Nhà báo Nhân Dân Dương Văn Cừ có một bài Phê Phán ác liệt đầu tiên làm quà, đăng trên tờ báo ăn trùm mọi báo ở đây, tựa đề là “«Xã hội dân sự» – một thủ đoạn của diễn biến hòa bình”.
Một công ba chuyện: Vừa là quà Happy Birthday; vừa là quà Happy Embalmingday; lại vừa là bài cạnh tranh lành mạnh với loạt bài lê thê “Làm thất bại chiến lược «diễn biến hòa bình»” trên báo Quân Đội Nhân Dân, hay, “«Diễn biến hòa bình» vẫn là một chiến lược nguy hiểm của các thế lực thù địch chống phá Đảng ta, chế độ ta” trên Tạp Chí Quốc Phòng Toàn Dân.
Theo đầu đề bài chính luận về thủ đoạn xã hội dân sự vừa nêu, đồng chí Dương Văn Cừ đã sắp xếp một số luận điểm nặng ký có thể tạm liệt kê như sau:
*
Luận điểm 1 – Gút thắt tiền đề: Có phải “xã hội dân sự” (XHDS) theo tiêu chí phương Tây chính là phương thức làm chuyển hóa chế độ từng thành công nhiều nơi mà các thế lực chủ mưu diễn biến hòa bình muốn áp dụng tại VN hay không? Câu trả lời đại trà, chẳng cần do dự hay đợi giải mã, ai ai cũng đều biết tất nhiên là “¥€$”, mới cấu thành điểm nhấn mà tác giả muốn cài đặt ở đầu bài cho thêm phần kỳ bí. Cho nên, chỉ mỗi dòng mào đầu làm tiền đề này thôi cũng đủ thấy đồng chí Nhà Báo Nhân Dân Dương Văn Cừ, vốn là một tay chơi cờ Domino cự phách, đã ưu lo biết bao đến cái tiền đồ không mấy sáng của đảng và nhà nước xứ này, sau khi thất thần nhìn thấy hàng loạt quốc gia, từ Đông Âu (1989) tới Trung Đông (2011), đổi mới quốc kỳ/quốc ca của họ.
Thực khó tìm đâu ra một nhà báo có tầm nhìn xa, kiến thức rộng, và nỗi lo canh cánh cạnh sườn như Dương Văn Cừ. So ra thì mấy tác giả PTS/TS/PGS/GS quốc phòng (mà thiếu cọ sát thực tế cụ thể) bên QĐND chỉ đáng xách dép cho Cừ. Tầm này thì nhất định là báo Nhân Dân không thể không đăng.
Đáng chú ý chỗ này là đồng chí Cừ đề cập đến các thế lực chủ mưu diễn biến hòa bình, chứ không phải quen mồm các thế lực thù địch. Điểm khác biệt này tự nó tạo ra nhiều diễn biến khá rõ, ở những dòng sau…
*
Luận điểm 2 – Định nghĩa “xã hội dân sự” và khái quát hóa nó thành những tổ chức hoạt động độc lập với chính quyền gọi là phi chính phủ (NGO), bao gồm các tổ chức quần chúng/hội/đoàn thể v.v… Đính kèm theo định nghĩa đó là một nguyên lý (nguyên văn):
…Nhà nước mạnh sẽ dẫn tới chế độ độc tài, (còn) nếu XHDS mạnh, thì sẽ dẫn tới vô chính phủ, bất ổn về xã hội và chế độ sẽ sụp đổ…”.
Quả là quá sức nguy hiểm. Đáng sợ thật chứ chẳng đùa. Nguy cơ này còn to gấp vạn lần sức mạnh xâm thực như tằm ngốn dâu ỉa vất của bọn bá quyền phương Bắc đã từng thực hiện trong nhiều thập niên qua trên đất nước ta, cả kinh tế lẫn quân sự, cả lãnh thổ lẫn lãnh hải, cả ngư trường lẫn rừng đầu nguồn, và treo lơ lửng trên đầu vựa lúa chiến lược miền Nam hàng trăm triệu tấn bùn đỏ có khả năng tàn sát mùa màng một lần là muôn năm.
Lại tiềm ẩn chí ít là hai điểm nhấn (ưu lo) không nhỏ khác:
Điểm nhấn số một là vết dầu loang của các NGO xã hội dân sự này sẽ lấn át rồi tiến dần đến mức ăn trùm chức năng của Mặt Trận Tổ Quốc trong việc chỉ đạo và điều động các tổ chức quần chúng ngoại vi của đảng. Hệ quả thấy trước là cực kỳ khốc liệt, bởi sự can thiệp bằng ngả tri thức của chúng khiến cho đất nước Việt Nam ta sẽ không còn hay khó còn:
  • địa hạt nào có thể tiến hành nỗ lực bưng bít thông tin;
  • môi trường  nào để tuyên truyền một chiều lấy được;
  • cách nào dập tắt các tiếng nói phản biện hay những hình thức biểu lộ ý dân;
  • chỗ bảo kê cho công an tùy tiện và tùy thích đánh/giết người mọi nơi/mọi lúc;
  • khả năng giữ vững vị trí đầu bảng tham nhũng toàn cầu;
  • các giải điền kinh chạy bằng/chạy chức/chạy thầu/chạy dự án/chạy án v.v…;
  • điều kiện thiết kế một nền kinh tế thân bằng quyến thuộc từ vi mô tới vĩ mô;
  • cơ hội giật giải Nobel Hóa Học về quy trình biến đất ruộng thành vàng ròng;
  • nơi nối ống dẫn dầu khí hay quặng mỏ tuôn thẳng vào trương mục Thụy Sĩ;
  • dịp kết hợp nhiều hệ thống kiểm toán khác nhau cho từng quả đấm thép Vinakủkải;
  • lối hạ cánh an toàn về vui thú điền viên trong các vườn ngự uyển;
  • lý cớ sử dụng tiền thuế của dân vào mọi sinh hoạt của đảng;
  • chỗ chứa mọi thứ siêu quyền lực tùy tiện viết hiến pháp và đứng trên luật pháp;
  • tình trạng lãnh đạo gài nắp túi xong là phủi tay vô trách nhiệm;
  • cách nại cớ dân trí thấp để tự ý quyết định về cương thổ hay vận mệnh đất nước;
Tưởng đâu Cừ hù dọa. Nào ngờ Cừ bày trận tinh vi.
Hóa ra tất cả những gạch đầu dòng “không còn hay khó còn” vừa kể đều là ý dân muốn như vậy và đang kiếm cách làm cho được vậy.
Cừ khéo cực! Khó tìm ai có thể tự tạo điều kiện cho một bài lề dân lại được trang trọng đăng trên tờ báo trùm toàn lề đảng như thế.
Điểm nhấn số hai, quan trọng hơn cả, là hệ xã hội dân sự đó làm cho nhà nước này …không mạnh! Ở ý nghĩa là không thể toàn trị! Cứ quan sát bọn chính quyền Mỹ, bên ngoài đứng đầu thế giới, mà bên trong lại hòa hoãn/phải đạo/nhất mực khuôn phép đối với nhân dân của chính nó đến chừng ấy thì rõ. Nói nhỏ thêm là chính quyền nó đứng trước nguy cơ sụp đổ đều đặn mỗi bốn năm một lần đấy! Rồi nhìn ngược lại bỗng rụng rời rằng “nhiệm kỳ dân cử” mới chính thực là cận cảnh đen tối hàng đầu của Bắc Bộ Phủ: Cứ đều đặn thế thì lấy cóc gì mà quang vinh muôn năm?
Bởi, suy cho cùng, chính quyền có phải là của chính quyền đâu nào? Chính quyền là của dân, bởi dân, và vì dân. Giành được một chính quyền lỏng khớp nào đó từ tay nhân dân đâu phải là chuyện đơn giản? Rổi để giữ một chính quyền hở mộng/long ngàm/lỏng khớp hơn trước cho đừng bị trả về tay nhân dân thì nhất định là còn khó hơn lên trời, một khi toàn dân và một bộ phận không nhỏ đảng viên đã mất hẳn lòng tin vào lãnh đạo, lại còn biết tự xây dựng sức mạnh số đông cho mình bằng cách tự giải quyết các vấn đề xã hội, thông qua hệ xã hội công dân, mà không chờ nhà nước vì biết chắc không thể trông đợi gì từ nhà nước. Chẳng phải dàn Dân Báo là một điển hình thành công vô đối đó sao?
Quả khó tìm ai tinh tường/tế nhị hơn Dương Văn Cừ để gieo vào lòng người đọc ngần đó hy vọng trong tầm tay, chỉ bằng một nguyên lý hai dòng, ngay trên báo trùm lề đảng.
*
Luận điểm 3 – Tác giả mượn lời của một nhà sử học Ba Lan để nêu bật tầm hiệu năng của XHDS:
Bronislaw Geremek đánh giá cao vai trò của XHDS trong việc lật đổ chế độ XHCN tại Ba Lan: «Ðối đầu với phong trào quần chúng khổng lồ này là sức mạnh của bộ máy chế độ, gồm: quân đội, cảnh sát và bộ máy hành chính (kể cả guồng máy Ðảng Cộng sản). Tuy nhiên, đến khi đó, tất cả đều không còn tính hợp pháp, họ bị loại ra khỏi tầm kiểm soát xã hội, đồng thời cũng mất đi mọi sự ủng hộ của xã hội. Trong phong trào Ðoàn Kết, chúng tôi đặt hy vọng bao vây, cô lập bộ máy công quyền đó bằng một thứ giống như cái kén tằm, từng bước cô lập và sau đó là đặt bộ máy đảng – nhà nước ra bên lề»…”.
Kinh nghiệm này không thể coi thường. Bởi, hóa giải sức mạnh vạn năng của guồng máy xe tăng/đạn thật/ngựa sắt/dùi cui/roi điện/hơi cay/vòi rồng/còng thép/nhà tù… không phải chuyện đùa.
“Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta chỉ thèm khát tương lai…”.
(Thanh Tâm Tuyền)
Vậy mà, nghiệt thay, các cuộc cách mạng hoa/màu trên thế giới đều thành công ngay vào lúc hệ thống quân đội-công an ở các nước ấy đều còn nguyên sức mạnh bạo lực. Kể cả ở giữa cái nôi của quốc tế cộng sản.
Bức tường Bá Linh vừa tan vỡ
Thì gạch đá điện Cẩm Linh rùng mình muốn đổ
Nửa triệu ngọn nến của Leipzig mới thắp sáng đêm nào
Đã tràn tới sưởi ấm mùa đông Sô-viết
Những khuôn mặt người sống lại ở Prague chẳng bao lâu
Đã trở về tập họp nơi công trường Đỏ
Những công nhân trong các xưởng thợ ở Gdansk
Cũng bắt đầu chui lên từ các hầm mỏ Siberia
Và đôi mắt Budapest
Đã lấp lánh giữa trời Nga
…”
(Lê Bi)
Đầu mối hiểm nghèo của lãnh đạo độc tài nằm ngay trên các từ khóa của dòng trên mà đồng chí Cừ đã dày công ém quân tuyệt đẹp:
Tính hợp pháp: Là quyền lực chính thống của một chính quyền được định bởi lá phiếu trực tiếp và hoàn toàn tự do của nhân dân qua từng nhiệm kỳ. Ngoại trừ khoảng hai thập niên của một nửa nước phía Nam 1954-1975, thì xứ ta chưa có tiền lệ đó bao giờ. Có nghĩa rằng cái gọi là chính quyền xứ ta không được nhân dân công nhận tính hợp pháp, mặc cho các nước khác từng công nhận nó là đại diện VN chỉ để tiện việc làm ăn (khai thác nhân công rẻ và thu lợi nhuận), cho doanh nhân của họ.
Mất đi mọi sự ủng hộ: Không một ai, không một cộng đồng nào có thể ủng hộ một guồng máy chính quyền độc tài tự nuôi dưỡng/bảo kê cho nhau để làm giàu bằng tham nhũng, và luôn tạo ra lý cớ hành dân suốt dọc hệ thống, để bắt chẹt nhân dân đưa thêm tiền hối lộ, hay thu vén thêm tài sản gia tộc. Riêng ở xứ này, không một ai ngoài đảng lại có thể gật đầu ủng hộ một nhà nước cực hèn với giặc/thậm ác với dân. Còn trong đảng thì chẳng một ai dám đề nghị thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý (như LS Lê Chí Quang từng gợi ý trước khi đi tù). Những tiếng súng hoa cải ở Tiên Lãng không phải là chỉ dấu đầu tiên của tình trạng xã hội bất tuân phục, và ắt hẳn cũng chưa phải là những chỉ dấu sau cùng.
Bị đẩy ra bên lề: Không chỉ độc tài cộng sản Ba Lan. Mọi nhà nước độc tài (cộng sản hay không cộng sản) đều bị đẩy ra ngoài lề xã hội ở giai đoạn cuối trào, bằng lá phiếu hoặc bằng những cuộc biểu tình để hiển thị ý chí của nhân dân là không chấp nhận nó. Nhân dân xứ này đã sẵn sàng cho cả hai tình huống, bởi không còn âm ỉ gì nữa, nhân dân đã công khai bày tỏ ý chí quyết liệt không chấp nhận nhà nước và cái chủ nghĩa áp đặt này, như đã không chấp nhận tác nhân trực tiếp của một đoạn lịch sử máu xương vô ích từng làm VN lụn bại.
Hãy đọc lại lần nữa đoạn này, để thấy hết sự khéo léo của nhà báo Dương Văn Cừ đã dẫn ngòi cho một thùng thuốc nổ, bằng một dẫn chứng thành công tuyệt vời của nhân dân Ba Lan:
Bronislaw Geremek đánh giá cao vai trò của XHDS trong việc lật đổ chế độ XHCN tại Ba Lan: «Ðối đầu với phong trào quần chúng khổng lồ này là sức mạnh của bộ máy chế độ, gồm: quân đội, cảnh sát và bộ máy hành chính (kể cả guồng máy Ðảng Cộng sản). Tuy nhiên, đến khi đó, tất cả đều không còn tính hợp pháp, họ bị loại ra khỏi tầm kiểm soát xã hội, đồng thời cũng mất đi mọi sự ủng hộ của xã hội. Trong phong trào Ðoàn Kết, chúng tôi đặt hy vọng bao vây, cô lập bộ máy công quyền đó bằng một thứ giống như cái kén tằm, từng bước cô lập và sau đó là đặt bộ máy đảng – nhà nước ra bên lề»…”.
Chẳng phải là, ở đoạn này, nhà báo Dương Văn Cừ đã phá vỡ sự e ngại (cực kỳ nhạy cảm) của từng cá nhân, bằng cách so sánh sức mạnh bạo lực của guồng máy công an/quân đội (cộng thêm guồng máy đảng) với sức mạnh của phong trào quần chúng khổng lồ đó sao?
*
Luận điểm 4 – Đó là cách điểm qua một tình hình ngày càng sáng sủa của thế giới:
“Hiện nay, các nước, các tổ chức quốc tế, các NGO nước ngoài đang tìm mọi cách để hình thành, phát triển XHDS theo tiêu chí phương Tây ở Việt Nam, qua đó thực hiện mục tiêu lật đổ chế độ XHCN bằng biện pháp «bất bạo động», «phi vũ trang». Hoạt động này nằm trong ý đồ thực hiện «tiến trình dân chủ ở Việt Nam» với mục đích lợi dụng XHDS để gây mất ổn định chính trị, tiến tới thay đổi chế độ như xảy ra tại các nước Ðông Âu, SNG và Trung Ðông – Bắc Phi thời gian qua”.
Loài người đã vượt qua các giai đoạn phong kiến/thực dân. Một phần tư nhân loại đã được hít thở khí trời tự do trở lại sau nhiều thập niên dở sống dở chết dưới mô hình chủ nghĩa xã hội. Hàng tỷ người đã bước ngang qua cái gọi là xã hội chủ nghĩa để tiến về phía tự do mưu cầu hạnh phúc, chứ chẳng nhất thiết chờ đợi bất kỳ ai ban cho khẩu hiệu hạnh phúc. Với xu thế toàn cầu hiện nay là dân chủ hóa để cùng cất cánh, nhân dân các nước tự học và trau dồi về xã hội dân sự, như một phương tiện để kiểm soát và quân bình quyền lực của nhà nước hoạt động theo đúng ý dân. Vậy, để làm cho đất nước khá hơn, thì việc lật đổ chế độ XHCN hay tiến tới thay đổi chế độ… là một bước cực logic không thể thiếu, không làm không được.
Bạn Dương Văn Cừ đã minh chứng cái logic này rất mạch lạc, cho dù phải dìm chữ vào bên trong những ngoặc nháy «tiến trình dân chủ ở Việt Nam»/«bất bạo động»/«phi vũ trang»… Chỉ để dàn trải các ý niệm ra mặt báo đảng. Há chẳng phải là tuyệt chiêu đó sao?
“Ngoài ra, một số tổ chức nước ngoài còn tài trợ tài chính cho một số NGO Việt Nam để hỗ trợ việc xuất bản, phát hành tài liệu nghiên cứu, văn bản luật nước ngoài nhằm tuyên truyền quan điểm, pháp luật phương Tây đến với công chúng Việt Nam một cách công khai”.
Đấy, tính ôn hòa và nhân văn trụ ngay đấy. Chỉ sách báo/tài liệu nghiên cứu/quan điểm/luật pháp… Chẳng có chất nổ/súng đạn nào ở đây. Nói khủng bố là nói vu. Cũng chẳng có gì cần phải giấu diếm ở đây. Nói âm mưu là nói láo. Tất cả chỉ là một cuộc vận động tri thức làm nền cho một số thay đổi cần thiết hầu đưa đất nước đứng lên cho ngang bằng các nước láng giềng.
Làm sao không thích được, ở chỗ cuộc vận động này được sự ủng hộ của nhiều nước khác, Công Khai. Điều này còn tích lũy một hàm ý thách thức đảng và nhà nước đương quyền Công Khai Tranh Luận với các thế lực chủ mưu diễn biến hòa bình. Dám không nào?
*
Luận điểm 5 – Là cả một chuỗi ý niệm đấu tranh ôn hòa mà quyết liệt của các thế lực chủ mưu diễn biến hòa bình, được Nhà Báo Nhân Dân Dương văn Cừ lần lượt quảng bá dưới dạng “Nó”:
Nó muốn gì?
“…Cải thiện môi trường xã hội, luật pháp và kinh tế / tăng cường năng lực các tổ chức xã hội / đưa Hiến pháp 1992 trở về Hiến pháp năm 1946 / trưng cầu ý dân về Ðiều 4 cũng như toàn bộ Hiến pháp / lập Tòa án Hiến pháp / thực hiện các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội / tư hữu hóa đất đai…”.
Hiến pháp 1946 là của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Các hiến pháp sau 1975 là của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tức là, so lại đi, ngoài hai từ (bốn chữ) Việt Nam Cộng Hòa, hễ thêm XHCN vào thì mất đi Dân Chủ. Như vậy, tựu chung là “Nó” muốn lấy lại từ Dân Chủ trong tên nước, trong hiến pháp, và trong thực tiễn sinh hoạt xã hội. Cực Logic!
Nó là ai?
“…Tổ chức Bảo vệ người lao động  / Tổ chức Mạng lưới Tuổi trẻ Việt Nam Lên đường / một số tổ chức quần chúng hợp pháp / Khối 8406 / Việt Tân…”.
Nói chung, “Nó” là những người yêu chuộng tự do và phát triển. “Nó” là nhân dân.
Nó làm thế nào?
“…Tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn / xây dựng các tổ chức công đoàn tự do / tiến hành Ðại hội thanh niên sinh viên Việt Nam trên thế giới / tìm cách cho ra đời một XHDS độc lập với chính quyền, tôn trọng nhân quyền, có các công đoàn độc lập, có tự do báo chí / tiến hành cuộc cách mạng hòa bình tại Việt Nam / xây dựng được một XHDS bền vững / đưa ra những kiến nghị nhằm thay đổi thể chế, thay đổi hệ thống luật pháp XHCN bằng luật pháp dân chủ, tư sản”.
Nó làm với ai?
“…Một số học giả trên thế giới / các nước, các tổ chức quốc tế, các NGO nước ngoài / một số tổ chức nước ngoài /các cơ quan đặc biệt nước ngoài…”.
Biện pháp đối phó của nhà nước?
“…Đề cao cảnh giác / thường xuyên tổ chức, tiến hành các hoạt động tuyên truyền / điều chỉnh hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội phù hợp với định hướng phát triển đất nước / tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới công tác quản lý nhà nước / tăng cường công tác quản lý các tổ chức xã hội / thường xuyên nắm chắc tình hình, diễn biến hoạt động của các tổ chức này / kiên quyết xử lý các hành vi hoạt động vi phạm pháp luật / tăng cường đối thoại, tiếp xúc, cảm hóa, không để các thế lực thù địch lôi kéo nhằm thực hiện ý đồ chống đối từ bên trong…”.
Tức, vẫn là những biện pháp chung chung từng nghe quen quen qua hàng trăm nghị quyết các thứ từ thời 1945.
Điều chưa tiện nói tới:
Một là Không Thể Đảo Ngược: XHDS không chỉ giúp cho người dân dễ tập họp thành số đông để hình thành sức mạnh quần chúng, như đã được dẫn ở ví dụ Ba Lan nói trên. XHDS còn là nền tảng sinh hoạt xã hội để giữ cho sức mạnh quần chúng không bị hóa giải sau những đợt biểu tình thành công và đạt được mục tiêu sau cùng. Nói cách khác, XHDS bảo đảm cho kết quả đó không bị lật ngược.
Hai là Nền Tảng Dân Chủ Bền Vững: XHDS không chỉ giúp cho người dân đấu tranh có bài bản để chấm dứt/giải thể một chế độ độc tài hầu thiết lập một thể chế dân chủ đích thực. XHDS, ngay trong giai đoạn đấu tranh đó, đã đặt nền móng sinh hoạt có sẵn tính ngăn ngừa sự sản sinh ra những chế độ độc tài khác sau đó, dù là cộng sản hay không cộng sản. Nền tảng đó là:
  • Ý thức dân chủ của người dân, ngay từ nhỏ, trong gia đình/lớp học/sở làm…: biết rõ là có quyền đặt câu hỏi/yêu sách/đề nghị… và có quyền nhận lại câu trả lời trong một thời khoản nhất định;
  • Môi trường dân chủ của xã hội: bao gồm cả tương quan lành mạnh giữa nhân dân với chính quyền, và tinh thần trách nhiệm (cá nhân lẫn cộng đồng) của mọi công dân;
  • Cơ chế dân chủ của quốc gia, đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập có khả năng kiểm chéo và quân bình với nhau, cộng thêm các định chế kiểm tra khác, kể cả các viện nghiên cứu và hệ thống báo đài độc lập với chính quyền.
*
Phần Thu Hoạch:
Cứ tưởng Dương Văn Cừ sợ vãi, đến mức được đặt tên thân mật là Dư Chí Hãi.
Đọc giữa những dòng chữ mới thấy bản lãnh của một Nhà Báo Nhân Dân có thể nhẹ nhàng đặt đảng và nhà nước này vào thế lưỡng nan, ở hai tầng:
Nói về cái chung, nhà nước tiếp tay các thế lực chủ mưu diễn biến hòa bình để truyền bá gần đủ các ý niệm căn bản về XHDS (mục tiêu/cách làm/lợi ích đường dài) trên một trang báo từng được mô tả là uy tín lẫy lừng nhất nước; mà gỡ bài này xuống thì mất mặt toàn bộ tuyên giáo trung ương lẫn tòa soạn Nhân Dân, đặc biệt, mất mặt đồng chí tổng biên tập Thuận Hữu đang kiêm nhiệm cả sứ mệnh Chủ tịch Hội Nhà Báo VN.
Còn nói về cái riêng, thì thưởng tác giả Dương Văn Cừ (về công báo động bị lật đổ) thật không dễ; mà phạt hắn (về tội lừa lãnh đạo vào tròng tiếp tay quảng bá cho XHDS) cũng không được.
Thiệt tình người đọc cũng khó biết bồ hòn có ngọt lắm không?
Mà như thế thì, hóa ra, Cừ tỏ rõ đã trải qua nhiều khóa huấn luyện, được trang bị đầy đủ nghiệp vụ leo sâu trèo cao, chẳng những có khả năng công khai trình bày trên tờ báo trùm của các báo một cách lớp lang ngay từ bên trong toàn bộ công tác: Làm gì/Ai làm/Khi nào làm/Làm với ai/Làm thế nào/Có khả năng bị nhà nước đối phó ra sao… Lại còn có cả khả năng làm ruỗng nhiều hàng cột từ bên trong.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà thiên hạ kháo nhau rằng: Có lẽ chỉ có trung ương Việt Tân mới biết rõ lý lịch và bí danh của Cừ.

05-09-2012 – Nhân ngày khai giảng năm học mới 2012-2013. Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với Vương quốc Lào (05/09/1962). Đặc biệt kỷ niệm 58 năm câu danh ngôn Bom đạn của địch không nguy hiểm bằng «đạn bọc đường» vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy”. Hồ Chí Minh – Bài nói chuyện với cán bộ trung ương và các đơn vị quân đội, công an tại làng Đại Từ, Thái Nguyên (05/09/1954).
Blogger Đinh Tấn Lực